Luật Đấu thầu (Điều 4 Khoản 42) quy định thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu là số ngày được quy định trong hồ sơ mời thầu và được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong hồ sơ mời thầu.
Câu hỏi:
Bên mời thầu X tổ chức lựa chọn nhà thầu một gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Hồ sơ mời thầu quy định hồ sơ dự thầu phải có hiệu lực 120 ngày và thời điểm đóng thầu là 9h ngày 07/9/2016. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia nhận thấy Nhà thầu A chào thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu là 120 ngày, từ thời điểm mở thầu là 9h30 ngày 07/9/2015. Trong trường hợp này, việc Nhà thầu A chào thời gian hiệu lực của hồ sơ dự thầu có được coi đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu hay không?
Xem thêm tình huống liên quan:
Hồ sơ mời thầu yêu cầu hiệu lực của hồ sơ dự thầu là 30 ngày có sai quy định?
Gia hạn hiệu lực hồ sơ dự thầu được quy định như thế nào?
Cách tính hiệu lực hồ sơ dự thầu sao cho hợp lệ?
Nhà thầu có quyền từ chối gia hạn thời gian hiệu lực của hồ sơ dự thầu không?
Trả lời:
Luật Đấu thầu (Điều 4 Khoản 42) quy định thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu là số ngày được quy định trong hồ sơ mời thầu và được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong hồ sơ mời thầu. Từ thời điểm đóng thầu đến hết 24 giờ của ngày đóng thầu được tính là 01 ngày.
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 18 Khoản 2 Điểm c) quy định hồ sơ dự thầu hợp lệ phải có hiệu lực đáp ứng yêu cầu theo quy định của hồ sơ mời thầu.
Đối với trường hợp trên, nếu hồ sơ mời thầu quy định hồ sơ dự thầu phải có hiệu lực 120 ngày và thời điểm đóng thầu là 9h ngày 07/9/2016 thì các hồ sơ dự thầu ghi thời gian có hiệu lực là 120 ngày kể từ ngày 07/9/2016 hoặc kể từ 9h ngày 07/9/2016 được coi là đáp ứng yêu cầu về thời gian có hiệu lực. Trường hợp hồ sơ dự thầu ghi thời gian có hiệu lực với điểm bắt đầu muộn hơn thời điểm đóng thầu (ví dụ: 9h30 ngày 07/9/2015) bị coi là không đáp ứng yêu cầu về thời gian có hiệu lực.
Hiện nay, một trong các sai sót thường gặp khi nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu là ghi sai hiệu lực của hồ sơ dự thầu. Vì vậy, để hạn chế các sai sót này, nhà thầu khi chuẩn bị hồ sơ dự thầu, nên đọc kỹ thông tin trong chỉ dẫn nhà thầu về thời điểm đóng thầu, mở thầu, ngày bắt đầu và số ngày có hiệu lực. Ngoài ra, chỉ cần ghi ngày bắt đầu có hiệu lực (không cần ghi cụ thể thời điểm, giờ bắt đầu) và số ngày có hiệu lực thì hồ sơ dự thầu đã được đánh giá đáp ứng yêu cầu về thời gian có hiệu lực, ví dụ: Có thể ghi là 120 ngày kể từ ngày 07/9/2016, không nhất thiết phải ghi là 120 ngày kể từ 9h00 ngày 07/9/2016.
Ban biên tập Kênh đấu thầu (Nguồn: Baodauthua.vn)