Để chứng minh tình hình tài chính nhà thầu phải nộp các báo cáo tài chính tương ứng với các kỳ kế toán đã hoàn thành. Kèm theo là bản chụp được chứng thực một trong các tài liệu sau đây: Biên bản kiểm tra quyết toán thuế; Tờ khai tự quyết toán thuế; Văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế..
Câu hỏi:
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang (Bạc Liêu), trong hồ sơ mời thầu (HSMT) của bên chủ đầu tư có nêu rõ, nhà thầu được đánh giá đạt những tiêu chí này khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tài chính lành mạnh như sau:
– Giá trị tài sản ròng (bằng tổng tài sản trừ tổng nợ) mỗi năm phải dương (> 0).
– Lợi nhuận mỗi năm phải dương (> 0).
– Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn (bằng tài sản ngắn hạn chia cho tổng nợ ngắn hạn) mỗi năm phải lớn hơn hoặc bằng 1 (≥ 1).
– Nhà thầu hoàn thành nghĩa vụ thuế đến hết năm… (có xác nhận của cơ quan thuế).
– Số dư khoản tiền gửi trong vòng… ngày trước thời điểm đóng thầu tối thiểu là… tỷ đồng (có xác nhận của ngân hàng).
Bà Trang hỏi, trường hợp nhà thầu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế có ảnh hưởng đến năng lực của nhà thầu cũng như việc xét hồ sơ dự thầu (HSDT) không? Nhà thầu đó có được lựa chọn trúng thầu không?
Xem thêm tình huống liên quan
Văn bản xác nhận của cơ quan thuế gửi sau thời điểm đóng thầu có đúng quy định?
Nhà thầu sử dụng dịch vụ thuế điện tử có cần ký tên, đóng dấu?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định, trong hồ sơ mời thầu (HSMT) không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Theo Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm.
Theo hướng dẫn tại Mục 2.1 Chương III Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT thì chỉ yêu cầu nhà thầu đáp ứng giá trị tài sản ròng của nhà thầu trong năm gần nhất phải dương, không có yêu cầu về lợi nhuận mỗi năm phải dương, hệ số thanh toán nợ ngắn hạn mỗi năm ≥ 1…
Theo hướng dẫn tại Mẫu số 14 Chương IV Mẫu HSMT mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT, để chứng minh tình hình tài chính nhà thầu phải nộp các báo cáo tài chính phải tương ứng với các kỳ kế toán đã hoàn thành. Kèm theo là bản chụp được chứng thực một trong các tài liệu sau đây:
– Biên bản kiểm tra quyết toán thuế;
– Tờ khai tự quyết toán thuế (thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) có xác nhận của cơ quan thuế về thời điểm đã nộp tờ khai;
– Tài liệu chứng minh việc nhà thầu đã kê khai quyết toán thuế điện tử;
– Văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế (xác nhận số nộp cả năm) về việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế;
– Báo cáo kiểm toán.
Theo đó, việc lập HSMT và đánh giá HSDT về năng lực tài chính phải tuân thủ theo quy định của Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT.
Ngoài ra, trong HSMT không được đưa ra các điều kiện làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.