Hướng dẫn quy trình kiến nghị và giải quyết kiến nghị trong đấu thầu

Câu hỏi:
Nếu có kiến nghị trong đấu thầu thì sẽ được giải quyết thế nào? Nội dung này được quy định ở đâu?

Ban biên tập Kênh đấu thầu hướng dẫn như sau:

Quy định về quyền kiến nghị và giải quyết kiến nghị

Theo quy định tại Điều 91 và Điều 92 Luật Đấu thầu, nếu nhà thầu (kể cả nhà thầu mua HSMT nhưng không nộp hồ sơ dự thầu) thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu (bao gồm nội dung HSMT) và kết quả lựa chọn nhà thầu. Các điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị của nhà thầu được quy định tại Điều 118 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Quy trình giải quyết kiến nghị

Nếu có kiến nghị trong đấu thầu thì sẽ được giải quyết theo quy định tại Mục 34 Chương 1 Phần thứ nhất Thông tư 01/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập Hồ sơ mời quan tâm, Hồ sơ mời thầu, Hồ sơ yêu cầu dịch vụ tư vấn do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, cụ thể như sau:

1. Nhà thầu tham dự thầu có quyền kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu khi thấy quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng.

2. Kiến nghị về những vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu mà không phải về kết quả lựa chọn nhà thầu được giải quyết như sau:

a) Nhà thầu gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư từ khi xảy ra sự việc đến trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;

b) Đơn kiến nghị phải được gửi trước tiên đến chủ đầu tư theo tên, địa chỉ nêu tại BDL. Chủ đầu tư có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;

c) Trường hợp chủ đầu tư không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền theo tên, địa chỉ nêu tại BDL trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư;

d) Người có thẩm quyền có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu.

3. Kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu được giải quyết như sau:

a) Nhà thầu gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;

b) Chủ đầu tư có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;

c) Trường hợp chủ đầu tư không có văn bản trả lời hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư.

Nhà thầu phải nộp một khoản chi phí là 0,02% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng cho bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn nêu tại BDL. Trường hợp nhà thầu có kiến nghị được kết luận là đúng thì chi phí do nhà thầu nộp sẽ được hoàn trả bởi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm liên đới;

d) Khi nhận được văn bản kiến nghị, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị có quyền yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin để xem xét và có văn bản báo cáo người có thẩm quyền về phương án, nội dung trả lời kiến nghị trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;

đ) Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.

4. Nhà thầu có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào, kể cả đang trong quá trình giải quyết kiến nghị hoặc sau khi đã có kết quả giải quyết kiến nghị. Nhà thầu đã khởi kiện ra Tòa án thì không gửi kiến nghị đến chủ đầu tư, người có thẩm quyền. Trường hợp đang trong quá trình giải quyết kiến nghị theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Mục này mà nhà thầu khởi kiện ra Tòa án thì việc giải quyết kiến nghị được chấm dứt ngay;

Cơ quan giải quyết kiến nghị theo phân quyền của luật như sau:

Theo điều 119 Nghi định 63/2014/NĐ – CP quy định hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị là:

1. Chủ tịch Hội đồng tư vấn:

a) Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp Trung ương là đại diện có thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội đồng tư vấn cấp Trung ương có trách nhiệm tư vấn về việc giải quyết kiến nghị trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ yêu cầu;

b) Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi là Hội đồng tư vấn cấp Bộ) là đại diện có thẩm quyền của đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu thuộc các cơ quan này. Hội đồng tư vấn cấp Bộ có trách nhiệm tư vấn về việc giải quyết kiến nghị đối với tất cả các gói thầu thuộc dự án do Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương quyết định đầu tư hoặc quản lý theo ngành, trừ gói thầu quy định tại Điểm a Khoản này;

c) Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp tỉnh là đại diện có thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hội đồng tư vấn cấp tỉnh có trách nhiệm tư vấn về việc giải quyết kiến nghị đối với tất cả các gói thầu thuộc dự án trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm các gói thầu của doanh nghiệp đăng ký thành lập, hoạt động trên địa bàn, trừ gói thầu quy định tại Điểm a Khoản này.

2. Thành viên Hội đồng tư vấn:

Thành viên Hội đồng tư vấn gồm đại diện của người có thẩm quyền, đại diện của hiệp hội nghề nghiệp liên quan. Tùy theo tính chất của từng gói thầu và trong trường hợp cần thiết, ngoài thành viên nêu trên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn có thể mời thêm các cá nhân tham gia với tư cách là thành viên của Hội đồng tư vấn. Thành viên Hội đồng tư vấn không được là thân nhân (cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột) của người ký đơn kiến nghị, của các cá nhân trực tiếp tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của các cá nhân trực tiếp thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và của người ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

3. Hoạt động của Hội đồng tư vấn:

a) Chủ tịch Hội đồng tư vấn ra quyết định thành lập Hội đồng trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu. Hội đồng tư vấn hoạt động theo từng vụ việc;

b) Hội đồng tư vấn làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, có Báo cáo kết quả làm việc trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định; từng thành viên được quyền bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình.

4. Bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn:

a) Bộ phận thường trực giúp việc là đơn vị được giao quản lý về hoạt động đấu thầu nhưng không gồm các cá nhân tham gia trực tiếp thẩm định gói thầu mà nhà thầu có kiến nghị;

b) Bộ phận thường trực giúp việc thực hiện các nhiệm vụ về hành chính do Chủ tịch Hội đồng tư vấn quy định; tiếp nhận và quản lý chi phí do nhà thầu có kiến nghị nộp.

Ban biên tập Kênh đấu thầu

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *