Trường hợp pháp luật về thuế không có quy định về việc xác nhận nợ đọng thuế của một công ty thì việc HSMT quy định nhà thầu có giấy xác nhận của cơ quan thuế rằng không nợ đọng thuế là không phù hợp. Nhà thầu cần có văn bản yêu cầu bên mời thầu làm rõ HSMT về tiêu chí này, thậm chí là có văn bản không chấp nhận yêu cầu này. Đây là thông điệp để bên mời thầu nhận thấy chiêu cài cắm của mình đã bị nhà thầu phát hiện ngay từ đầu.
Ý kiến bạn đọc
Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng loại 4 nhà thầu lớn tại gói thầu giao thông gần 700 tỷ đồng. Điều đáng nói, một loạt ông lớn gồm: Liên danh Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường – Công ty CP Đầu tư thương mại và Xây dựng giao thông 1; Tổng công ty 36 – CTCP; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; Liên danh Công ty CP Tập đoàn Xây dựng miền Trung – Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – CTCP (Cienco 1) đều bị loại bởi cùng một lý do và liên quan trực tiếp đến văn bản xác nhận của cơ quan thuế. Lý do được Bên mời thầu đưa ra là các nhà thầu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Trong khi đó, các nhà thầu đã nộp văn bản xác nhận của cơ quan thuế là không nợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế môn bài theo kê khai, theo các khoản thuế được thông báo phải nộp.
Liên quan đến câu chuyện nêu trên, trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu có tên tuổi trong lĩnh vực giao thông cho biết, việc phủ nhận văn bản xác nhận của cơ quan thuế từ các bên mời thầu thời gian qua diễn ra khá phổ biến. Đây đang là vấn đề rất bất cập, cần có sự chấn chỉnh kịp thời. Theo các nhà thầu, việc đánh giá văn bản xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế của cơ quan thuế đối với nhà thầu không có giá trị khi dự thầu ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, uy tín và khả năng thắng thầu của nhà thầu. Phía sau việc cố tình hạ thấp uy tín của nhà thầu thông qua phủ nhận văn bản xác nhận của cơ quan thuế là rất nhiều động cơ, lợi ích từ các bên mời thầu.
Xem thêm tình huống liên quan
Thiếu văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước từ cơ quan thuế nhà thầu có bị loại?
Bổ sung tài liệu để chứng minh nhà thầu có đủ nguồn lực tài chính sau khi đóng thầu?
Cần yêu cầu làm rõ HSMT
Trong văn bản trả lời nhà thầu liên quan đến nội dung này, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, liên quan đến quy định nợ đọng thuế, Nghị định số 63/NĐ-CP (Điều 12 Khoản 2) quy định, trong hồ sơ mời thầu (HSMT) không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Theo đó, trường hợp pháp luật về thuế không có quy định về việc xác nhận nợ đọng thuế của một công ty thì việc HSMT quy định nhà thầu có giấy xác nhận của cơ quan thuế rằng không nợ đọng thuế là không phù hợp. Trong trường hợp này, nếu nhà thầu có giấy xác nhận của cơ quan thuế là đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì được đánh giá là đáp ứng yêu cầu của HSMT.
Theo Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu, một công ty được xác nhận là hoàn thành nghĩa vụ thuế có nghĩa là không để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế. Do đó, không thể lấy một khái niệm được nêu trong HSMT để loại bỏ năng lực thực sự của nhà thầu đã được cơ quan thuế xác nhận.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một tư vấn đấu thầu có kinh nghiệm trong tổ chức đấu thầu tại TP.HCM khẳng định, việc bên mời thầu vội vàng đánh giá văn bản xác nhận nghĩa vụ thuế mà nhà thầu cung cấp trong HSDT không đáp ứng yêu cầu của HSMT là rất bất chấp và không đúng với tinh thần của Luật Đấu thầu, cũng như lộ rõ ý đồ cài cắm ngay từ đầu. Việc bên mời thầu cố tình đưa yêu cầu xác nhận của cơ quan thuế vào HSMT là đã có ý định làm khó nhà thầu. Mặc dù vậy, không phải nhà thầu nào cũng có thể nhận ra được ý đồ này của bên mời thầu để yêu cầu bên mời thầu làm rõ HSMT.
Theo ý kiến từ một số đơn vị tư vấn, để bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà thầu, trong quá trình đấu thầu, nếu nghiên cứu HSMT và nhận thấy có yêu cầu về cung cấp văn bản xác nhận của cơ quan thuế, nhà thầu cần tỉnh cáo và sớm có động tác bảo vệ quyền lợi của mình. Cụ thể là cần có văn bản yêu cầu bên mời thầu làm rõ HSMT về tiêu chí này, thậm chí là có văn bản không chấp nhận yêu cầu này. Đây là thông điệp để bên mời thầu nhận thấy chiêu cài cắm của mình đã bị nhà thầu phát hiện ngay từ đầu.
Ban biên tập Kênh đấu thầu (Nguồn: baodauthau.vn)