Trường hợp gói thầu xây lắp không phải là gói thầu quy mô nhỏ (có giá trị lớn hơn 20 tỷ đồng) nhưng tính chất gói thầu đơn giản, các đề xuất về kỹ thuật, tài chính, thương mại được coi là trên cùng một mặt bằng thì được phép áp dụng phương pháp giá thấp nhất theo quy định nêu trên.
Câu hỏi:
Độc giả Huỳnh Tấn Phát (TP. Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi như sau: Theo tôi tham khảo phương pháp giá đánh giá được quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 12, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì công thức xác định giá đánh giá được tính như sau:
GĐG = G ± ∆G + ∆ƯĐ
Trong đó:
– G = (giá dự thầu ± giá trị sửa lỗi ± giá trị hiệu chỉnh sai lệch) – giá trị giảm giá (nếu có);
– ∆G là giá trị các yếu tố được quy về một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa
– ∆ƯĐ là giá trị phải cộng thêm đối với đối tượng không được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 5 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, đối với gói thầu xây lắp, giá trị của ∆G và ∆ƯĐ rất khó xác định. Nếu ∆G và ∆ƯĐ đều không có các yếu tố cần thiết để xác định và tính toán để quy về một mặt bằng thì giá trị của ∆G và ∆ƯĐ có thể xem như bằng 0. Ông Phát muốn biết, công thức áp dụng sẽ là: GĐG = G có phù hợp hay không?
Trường hợp với các gói thầu xây lắp thuộc công trình giao thông đường bộ có giá gói thầu lớn hơn 20 tỷ đồng khi đánh giá về tài chính thì áp dụng phương pháp giá thấp nhất có phù hợp không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Đối với phương pháp giá thấp nhất
Điểm a, khoản 1, Điều 39 Luật Đấu thầu 2013 quy định phương pháp giá thấp nhất áp dụng đối với các gói thầu đơn giản, quy mô nhỏ trong đó các đề xuất về kỹ thuật, tài chính, thương mại được coi là cùng một mặt bằng khi đáp ứng các yêu cầu ghi trong hồ sơ mời thầu.
Theo đó, trường hợp gói thầu xây lắp không phải là gói thầu quy mô nhỏ (có giá trị lớn hơn 20 tỷ đồng) nhưng tính chất gói thầu đơn giản, các đề xuất về kỹ thuật, tài chính, thương mại được coi là trên cùng một mặt bằng thì được phép áp dụng phương pháp giá thấp nhất theo quy định nêu trên.
Đối với phương pháp giá đánh giá
Điểm d, khoản 4, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định công thức xác định giá đánh giá đối với gói thầu xây lắp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế như sau:
GĐG = G ± ∆G + ∆ƯĐ
Trong đó:
– G = (giá dự thầu ± giá trị sửa lỗi ± giá trị hiệu chỉnh sai lệch) – giá trị giảm giá (nếu có);
– ∆G là giá trị các yếu tố được quy về một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa
– ∆ƯĐ là giá trị phải cộng thêm đối với đối tượng không được hưởng ưu đãi theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 5 của Nghị định này.
Theo đó, đối với gói thầu xây lắp áp dụng phương pháp giá đánh giá, việc xác định ∆G có thể dựa trên chi phí vận hành, bảo dưỡng, chi phí lãi vay (nếu có), tiến độ, chất lượng và các yếu tố khác (nếu có). Việc đưa ra các tiêu chí để xác định, quy đổi các yếu tố thành giá trị của ∆G cần phải nêu cụ thể trong hồ sơ mời thầu và phải dựa trên cơ sở tính toán khoa học, phù hợp với tính chất, đặc điểm của gói thầu.
Như vậy, khi áp dụng phương pháp này, trong hồ sơ mời thầu bắt buộc phải đưa ra quy định để xác định giá trị quy đổi các yếu tố về cùng một mặt bằng cho cả vòng đời sử dụng công trình (nghĩa là trong hồ sơ mời thầu, giá trị ∆G không thể bằng 0).
Ngoài ra, việc xác định ∆ƯĐ đối với gói thầu xây lắp áp dụng phương pháp giá đánh giá được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 14 Luật Đấu thầu 2013; điểm b, khoản 2 Điều 4 và các khoản 2, 3, 4 Điều 6 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP trên cơ sở nguyên tắc ưu đãi quy định tại Điều 3 Nghị định này. Quy định về nguyên tắc xác định ưu đãi, đối tượng được hưởng ưu đãi và cách tính giá trị ưu đãi phải được quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu để làm căn cứ cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu của mình.
Ban biên tập Kênh đấu thầu (Nguồn baodautu.vn)