Việc hồ sơ mời thầu quy định thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu là 30 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu là không trái với quy định của pháp luật đấu thầu. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải bảo đảm đến khi ký kết hợp đồng thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu vẫn còn hiệu lực.
Câu hỏi
Tôi tham khảo Điều 12 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 thấy quy định thời gian hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối đa là 180 ngày. Thời gian đánh giá hồ sơ đấu thầu tối đa là 45 ngày. Tôi xin hỏi, vậy trong hồ sơ mời thầu có nêu hiệu lực hồ sơ dự thầu là 30 ngày (nhỏ hơn thời gian tối đa để đánh giá) thì có hợp lệ hay không? Mặc dù trong trường hợp từ ngày mở thầu đến ngày có quyết định trúng thầu là chưa hết thời gian hiệu lực của hồ sơ dự thầu (30 ngày).
Xem thêm tình huống liên quan:
Cách tính hiệu lực hồ sơ dự thầu sao cho hợp lệ?
Gia hạn hiệu lực hồ sơ dự thầu được quy định như thế nào?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điểm l, Khoản 1, Điều 12 Luật Đấu thầu quy định thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối đa là 180 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu.
Trường hợp gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu theo phương thức hai giai đoạn, thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối đa là 210 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu.
Trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và phải bảo đảm tiến độ dự án.
Đối với trường hợp của ông Long, việc hồ sơ mời thầu quy định thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu là 30 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu là không trái với quy định của pháp luật đấu thầu. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải bảo đảm đến khi ký kết hợp đồng thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu vẫn còn hiệu lực.
Ban biên tập Kênh đấu thầu (Nguồn: Chính phủ.vn)